Khoa Điện - Điện tử
1. Giới thiệu và tổng quan về khoa Điện - Điện tử
Khoa Điện - Điện tử thành lập ngày 23/4/1998, một trong những Khoa đi đầu trong hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy, hợp tác doanh nghiệp và hợp tác quốc tế.
Năm 2007, Khoa Điện - Điện tử là một trong hai Khoa đầu tiên của Trường có chương trình đào tạo quốc tế theo hình thức 3+1.
Năm 2009, Khoa cũng là đơn vị đầu tiên của trường có hội thảo quốc tế.
Sau 25 năm phát triển, hiện nay khoa là một trong các đơn vị đào tạo lớn của Trường với quy mô khoảng 2.500 sinh viên đại học và sau đại học.
Tổng quan về nhân sự: có 54 người, trong đó 37 giảng viên là GS/PGS/TS, tốt nghiệp từ nhiều trường danh tiếng từ các quốc gia tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Anh, Ý, Hàn Quốc, Đài Loan,…; 07 Giáo sư, chuyên gia nước ngoài.
2. Hoạt động đào tạo
Chương trình đào tạo các ngành từ trình độ đại học đến sau đại học đều được kiểm định và công nhận bởi các tổ chức kiểm định quốc tế (1 ngành bậc đại học được kiểm định bởi AUN-QA, 4 chương trình khác đang chuẩn bị kiểm định bởi ASIIN). Bên cạnh các chương trình đào tạo trong nước, Khoa còn có chương trình liên kết đào tạo với các đại học uy tín trên thế giới như: chương trình liên kết với chương đại học Kỹ thuật Ostrava, cộng hòa Czech; chương trình liên kết đào tạo 3+1 với Đại học Khoa học và Kỹ thuật Saxion, Hà Lan.
Khoa tổ chức đào tạo các trình độ sau:
- Bậc nghiên cứu sinh: Ngành Kỹ thuật điện; Chương trìnhđào tạo tiến sĩ sandwich với trường Đại học kỹ thuật Ostrava, Cộng hòa Czech.
- Bậc cao học: Ngành Kỹ thuật điện; Ngành Kỹ thuật viễn thông; Ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa.
- Bậc đại học gồm 8 chương trình học ở các ngành: Ngành Kỹ thuật điện (tiêu chuẩn, chất lượng cao); Ngành Kỹ thuật điện tử - viễn thông (tiêu chuẩn, chất lượng cao); Ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa (tiêu chuẩn, chất lượng cao, chương trình dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh); Ngành Kỹ thuật cơ điện tử (tiêu chuẩn).
Tính đến nay, Khoa đã đào tạo cho xã hội: hơn 7,000 kỹ sư/cử nhân, 50 thạc sỹ.
Khoa đào tạo các thế hệ trẻ chất lượng cao được học trực tiếp với giảng viên nước ngoài hoặc tốt nghiệp tại nước ngoài; 100% sinh viên được tham quan, kiến tập tại doanh nghiệp, làm việc thực thụ như nhân viên doanh nghiệp trong thời gian tối thiểu là 2 tháng; sinh viên chất lượng cao được làm đồ án tốt nghiệp ở nước ngoài tại các trường đại học hợp tác với trường; các sinh viên đam mê khoa học được tham gia nghiên cứu chung với giảng viên hướng dẫn trong các nhóm nghiên cứu của Khoa, ...
3. Hoạt động khoa học - công nghệ
Khoa có 5 nhóm nghiên cứu: Nhóm nghiên cứu mô hình hóa thuật toán tiến hóa, mô phỏng và trí thông minh nhân tạo (Modeling Evolutionary Algorithms Simulation and Artificial Intelligence - MERLIN); Nhóm nghiên cứu tối ưu hóa hệ thống điện (Power System Optimization - PSO); Nhóm nghiên cứu thông tin vô tuyến (Wireless Communications - WiCOM); Nhóm nghiên cứu Quang điện tử (Optoelectronics - OPTO); Nhóm nghiên cứu Thông tin và xử lý tín hiệu (Communication and Signal processing - COMSIG).
Công bố khoa học quốc tế:
Từ năm 2012 đến tháng 12/2021, Khoa có 650 công bố quốc tế trong danh mục ISI và Scopus, trong đó có 477 công trình trên các tạp chí trong cơ sở dữ liệu ISI.
Hoạt động khoa học ứng dụng:
Từ năm 2010 đến nay, Khoa đã thực hiện 3 đề tài cho Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED); 3 đề tài cấp Bộ (Đại học quốc gia TPHCM); 1 đề tài cấp Sở khoa học công nghệ TPHCM; 1 đề tài cho Sở khoa học - công nghệ Bình Thuận; 2 đề tài cho Quỹ phát triển khoa học và công nghệ (FOSTECT) thuộc Đại học Tôn Đức Thắng; 1 đề tài chuyển giao với đối tác nước ngoài; 05 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường.
Khoa Điện - Điện tử là một trong những đơn vị đầu tiên trong trường có bằng sáng chế Hoa Kỳ USPTO ở đề tài: "Self-Assisting Robot and Method for Transferring a Paraplegic User to and from a Wheel Chair", cấp ngày 19/7/2016, số hiệu US 9,393,698 B1.
Khoa Điện - Điện tử tổ chức hội thảo quốc tế đầu tiên vào năm 2009 với tên gọi International Symposium on Electrical - Electronics Engineering (ISEE 2009) và tiếp tục năm 2011 (ISEE 2011). Vào năm 2013, Khoa lần đầu tiên tổ chức hội thảo quốc tế Advanced Engineering - Theory and Applications (AETA) và từ đó đến nay hội thảo này trở nay hội thảo thường kỳ của Khoa, đã tổ chức năm 2013, 2015, 2016, 2017, 2018, 2019, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học. Hội thảo được tổ chức tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng (2013, 2015, 2017) và luân phiên tổ chức tại các đối tác nước ngoài của Khoa như Đại học Quốc gia Pukyong, Hàn quốc năm 2016, Đại học Kỹ thuật Ostrava, Cộng hòa Czech, 2018 và Đại học Quốc gia Corporacion Unifcada, Columbia năm 2019. Trong đó kỷ yếu của hội thảo AETA được xuất bản trong bộ sách Lecture Notes in Electrical Engineering của Nhà xuất bản Springer, được ghi nhận trong cơ sở dữ liệu ISI của Thomson Reuter và cơ sơ dữ liệu Scopus của Elsevier.
4. Hợp tác quốc tế
Các chương trình hợp tác nghiên cứu và trao đổi giảng viên với nước ngoài đáng chú ý bao gồm dự án năng lượng tái tạo với công ty Bricon và ĐH Incheon (Hàn Quốc), chương trình trao đổi nghiên cứu chủ đề “An toàn công nghiệp và cơ sở hạ tầng” với ĐH Khoa học và Công nghệ Norway (Na Uy) và nhiều công trình công bố quốc tế khác.
Khoa tiếp nhận sinh viên nước ngoài đến theo học toàn thời gian từ các nước Đông Nam Á, Đài Loan, Nigeria, Pakistan, … và nhiều lượt sinh viên sang trao đổi học tập ngắn hạn hoặc dài hạn (vài tuần đến 6 tháng) đến từ nhiều nước như Đan Mạch, Hà Lan, Pháp, …
Ngoài ra, Khoa còn thành lập trung tâm chuyên gia Hàn Quốc (KEC) có thành viên là các chuyên gia Hàn quốc từ nhiều lĩnh vực khác nhau, hỗ trợ Khoa kết nối các doanh nghiệp và trường đại học ở Hàn quốc; đồng thời triển khai nhiều dự án hỗ trợ cộng đồng từ các quỹ khác nhau ở Hàn quốc nói riêng và châu Á nói chung.
5. Quan hệ cộng đồng
Khoa hiện hợp tác thường xuyên với hàng trăm doanh nghiệp, trong đó ký kết hợp tác toàn diện với nhiều doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn, công ty nước ngoài như công ty Cổ phần Hạo Phương, công ty TNHH Bricon, TNHH Truyền hình cáp Saigon Tourist, công ty TNHH Daeil Aqua, Hàn quốc; Công ty TNHH MTV DV-VT Phương Nam, các công ty con tổng công ty Điện lực TPHCM, … Ngoài ra, Khoa là thành viên của Hiệp hội Internet TPHCM và Hội Tự động hóa TPHCM; có mối quan hệ khắng khít với Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao (SHTP-IC);
Khoa là đơn vị đầu tiên đào tạo các khóa học các cán bộ quản lý cấp trung cho Tổng công ty điện lực miền Nam, bao gồm 21 tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau;
Trong nhiều năm qua, Khoa phối hợp doanh nghiệp triển khai nhiều hợp đồng chuyển giao công nghệ và tổ chức nhiều hoạt động khác nhau cho sinh viên như mở các cuộc thi khởi nghiệp, các buổi workshop, hội thảo nghề nghiệp cho sinh viên, … Ngoài ra, các phòng thí nghiệm của Khoa rất hiện đại, được tài trợ từ nhiều doanh nghiệp nước ngoài, tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng trong lĩnh vực Điện – Điện tử như Siemens Việt Nam (Đức), Mitsubishi Electric Việt Nam (Nhật), ABB, Endress+Hausser (Thụy Sĩ), Công ty TNHH Hanyoung Nux Việt Nam(Hàn Quốc), … Tổng giá trị các hợp đồng chuyển giao, tài trợ lên đến hàng tỉ đồng.
6. Cơ hội và tương lai của người học
Trường và Khoa có chương trình học bổng để đào tạo sinh viên tốt nghiệp loại giỏi trở lên học sau đại học để trở thành giảng viên hoặc nghiên cứu viên, cung cấp cho người học thêm cơ hội phát triển bản thân và xây dựng sự nghiệp.
Sinh viên khoa Điện - Điện tử ra trường đảm nhận nhiều vị trí chủ chốt trong công ty như: kỹ sư, kỹ sư dự án, trưởng nhóm, trưởng phòng kỹ thuật, giám đốc kỹ thuật ở nhiều công ty, tập đoàn lớn, công ty nước ngoài, công ty đa quốc gia.