Skip to main content

Trung tâm công nghệ thông tin ứng dụng

1. Giới thiệu và tổng quan

Việc thành lập một Trung tâm tin học đào tạo và bồi dưỡng một số kỹ năng công nghệ thông tin chuyên biệt cho cán bộ, nhân viên và người học là cần thiết, phù hợp với các chủ trương của Đảng và Nhà nước nói chung và Nhà trường nói riêng.

Ngày 16/06/2014, Trung tâm công nghệ thông tin ứng dụng - Đại học Tôn Đức Thắng (CAIT) chính thức được thành lập theo quyết định số 758/2014/TĐT-QĐ của Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng, nhằm hiện thực hóa chiến lược phát triển Trường Đại học Tôn Đức Thắng trong việc đào tạo và bồi dưỡng về công nghệ thông tin cho cán bộ, giảng viên, viên chức, sinh viên và học viên theo yêu cầu.

Trung tâm hiện có 6 Nghiên cứu sinh, 10 Thạc sĩ chuyên ngành Khoa học máy tính, 14 viên chức tổ phần mềm với nhiệm vụ thực hiện công tác tin học hóa cho các hoạt động của Nhà trường.

tdtu

2. Lĩnh vực hoạt động

Hoạt động giảng dạy đào tạo

- Quản lý chuyên môn về các học phần tin học đại cương theo chuẩn Quốc tế và các module tin học ngắn hạn. Xây dựng giáo trình, tài liệu và phần mềm phục vụ công tác giảng dạy các môn học do Trung tâm quản lý.

- Tổ chức triển khai việc dạy chương trình tin học theo chuẩn quốc tế cho sinh viên, cán bộ, giảng viên và học viên trong và ngoài Trường

- Tổ chức triển khai giảng dạy các lớp bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ ngắn hạn.

- Trung tâm sát hạch các bài thi theo chuẩn công nghệ thông tin cơ bản, nâng cao của Bộ Thông tin Truyền thông đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho học viên, cán bộ, nhân viên trong và ngoài Trường.

Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho các đối tác trong và ngoài Trường

Hoạt động tin học hóa

- Xây dựng và triển khai toàn bộ hệ thống phần mềm đáp ứng nhu cầu về tin học hóa, số hóa trong tất cả các hoạt động của Nhà trường.

3. Thành tựu đạt được

Về giảng dạy và đào tạo cho sinh viên tại Trường

Từ khi thành lập CAIT đã thực hiện giảng dạy và đào tạo chương trình tin học theo chuẩn quốc tế cho trên 100.000 lượt học sinh viên trong Trường với số lượng được tăng theo từng năm, đặc biệt trong những năm gần đây, tỉ lệ sinh viên được dự thi là khoảng 85% và tỉ lệ đạt chuẩn quốc tế khoảng 90-92%.

Để có kết quả này, cả đơn vị đã cùng nhau cố gắng và đặt ra và hoàn thành hàng loạt mục tiêu để phát triển và nâng cao chất lượng giảng dạy tin học tại TDTU như:

- Nâng cao Giảng dạy chương trình MOS bằng tiếng Anh, với số lớp Tiếng Anh đã mở hơn 50 lớp.

- Phát triển không gian học thuật IT-Zone, khi IT-Zone khi được thành lập đã trở thành một địa điểm quen thuộc và là nơi trao đổi và học tập kiến thức về lĩnh vực tin học cho sinh viên toàn Trường.

- Xây dựng kịp thời hệ thống elearning với bài giảng trực tuyến, video bài giảng, hệ thống bài tâp từ cơ bản đến nâng cao cho tất cả các môn học. Trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đảm bảo chất lượng dạy và học của sinh viên toàn Trường. Đây là bước đi nói lên quyết tâm của đơn vị trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy và đào tạo không chỉ của đơn vị mà còn của toàn Trường.

tdtu

Hoạt động đào tạo theo yêu cầu

Tính tới thời điểm hiện tại Trung tâm đã mở trên 200 lớp đào tạo cho trên 6000 học viên có nhu cầu nâng cao chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ và ứng dụng CNTT trong quản lý như Tổng Công Ty Điện Lực miền nam EVN, Công Ty Dược Domesco Đồng Tháp, các trường Trung cấp, Cao Đẳng và THPT tại các tỉnh như Bình Thuận, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Đồng Nai,...

Công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ

Triển khai và chuyển giao công nghệ của đơn vị trong giai đoạn hiện nay đã trở nên cấp thiết nhất là trong thời kì công nghệ 4.0, các cơ sở đạo tạo không chỉ thực hiện nhiệm vụ trên giảng đường mà còn hiện thực hóa nó bằng chính những công trình, sản phẩm, ứng dụng thực tế. Kết quả đạt được như sau: Công bố trên 20 bài báo khoa học trên các Tạp chí và Hội nghị quốc tế, trong đó có 03 bài đăng trên Tạp chí ISI, 03 bài đăng trên Tạp chí Scopus Q3, 01 bài Scopus Q4.

Xây dựng, triển khai hệ thống phần mềm quản lý

Trước tình hình xã hội ngày càng hiện đại hóa, cùng mục tiêu phát triển của Nhà trường với khối lượng công việc ngày càng tăng cao, cách làm việc thủ công trước đây không còn phù hợp. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Nhà trường, CAIT sử dụng nguồn lực tự có để xây dựng, triển khai hệ thống phần mềm cho công tác quản lý, vận hành Nhà trường.

Sau 10 năm thực hiện công tác tin học hóa cho các công việc thường xuyên, CAIT triển khai được nhiều hệ thống đạt hiệu quả cao, cải tiến được quy trình thủ công, nâng cao năng suất làm việc của giảng viên viên chức, làm cầu nối giữa Nhà trường và sinh viên, phụ huynh, đối tác bên ngoài. Trong số đó, tiêu biểu như hệ thống quản lý đào tạo iTDTU, hệ thống quản lý nhân sự, hệ thống quản lý tuyển sinh, hệ thống quản lý dạy và học từ trực tiếp đến trực tuyến, và gần 100 hệ thống lớn nhỏ trong toàn Trường.

4. Mục tiêu

- Tiếp tục đẩy  mạnh công tác giảng dạy đào tạo tin học theo chuẩn hóa quốc tế kết hợp với đào tạo ứng dụng thực tế cho sinh viên đáp ứng yêu cầu trang bị kiến thức đầy đủ đa dạng cho sinh viên.

- Đẩy mạnh công tác đào tạo các lớp ngắn hạng theo hướng đào tạo từng Module đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin cho học viên và các đối tác trong và ngoài Trường.

- Xây dựng và phát triển mới các hệ thống phần mềm theo định hướng ứng dụng thông minh, đa nền tảng đáp ứng nhu cầu tin học hóa mọi hoạt động của tất cả đơn vị trong Nhà trường.