Skip to main content

Khoa Tài chính ngân hàng

1. Giới thiệu và tổng quan về khoa Tài chính ngân hàng

Khoa Tài chính Ngân hàng chính thức được thành lập vào ngày 02/9/2009 theo Quyết định số 904/TĐT-TCHC ngày 02/09/2009 của Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Trong suốt gần 15 năm qua, Khoa Tài chính Ngân hàng đã phát triển vượt bậc cả về lượng và chất. Hoạt động giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu khoa học của Khoa đã vươn tới tầm cao mới.

Khoa hiện có 40 nhân sự, trong đó có 6 Giáo sư, Phó Giáo sư; Số lượng giảng viên giảng dạy trực tiếp có trình độ tiến sĩ chiếm hơn 50%.

Tổ chức bao gồm 3 bộ môn: Bộ môn Đầu tư; Bộ môn Tài chính; Bộ môn Ngân hàng.

tdtu

2. Hoạt động đào tạo

Khoa tổ chức đào tạo các trình độ sau:

- Đại học: ngành Tài chính ngân hàng; Tài chính và kiểm soát (Chương trình liên kết).

- Thạc sỹ: ngành Tài chính ngân hàng.

Tính đến nay, Khoa đã đào tạo cho xã hội: hơn 4000 cử nhân tài chính ngân hàng, hơn 100 học viên sau đại học.

Chương trình đào tạo đại học được kiểm định và công nhận bởi tổ chức kiểm định quốc tế uy tính AUN-QA; Chương trình đào tạo sau đại học đang tiến hành kiểm định theo chuẩn quốc tế FIBAA.

Ngoài các chương trình đào tạo trong nước, Khoa Tài chính ngân hàng còn đang liên kết đào tạo chương trình đơn bằng, song bằng 2+2, 3+1 với các trường Đại học danh tiếng xếp hạng cao trên thế giới như: Đại học Saxion (Hà Lan), Đại học Fengchia (Đài Loan), Lunghwa (Đài Loan).

tdtu

Chương trình bậc đại học của Khoa đạt trình độ đào tạo tiên tiến của khu vực và thế giới, với chuẩn đầu ra:

Chương trình tiêu chuẩn: Điểm ngoại ngữ: IELTS 5.0 hoặc chứng chỉ anh văn tương đương; Bơi 50 m; Chứng chỉ giáo dục thể chất và quốc phòng; Chứng chỉ tin học quốc tế (MOS 750).

Chương trình chất lượng cao: Điểm ngoại ngữ: IELTS 5.5 hoặc chứng chỉ anh văn tương đương; Bơi 50m; Chứng chỉ giáo dục thể chất và quốc phòng; Chứng chỉ tin học quốc tế (MOS 750).

Chương trình đại học bằng tiếng Anh: Điểm ngoại ngữ: IELTS 6.0 hoặc chứng chỉ anh văn tương đương; Bơi 50m; Chứng chỉ giáo dục thể chất và quốc phòng; Chứng chỉ tin học quốc tế (MOS 750).

Đặc thù của chương trình đào tạo tại khoa Tài chính Ngân hàng:

Sinh viên Khoa TCNH có cơ hội học tập, tham quan và trải nghiệm thực tế tại các định chế Tài chính uy tín như Ngân hàng, Công ty Chứng khoán, Công ty Bảo hiểm, Quỹ Đầu tư, … thông qua các học phần định hướng nghề nghiệp trong suốt 4 năm học tập tại Trường.

Định kỳ hàng năm Khoa tổ chức các hoạt động học thuật trong lĩnh vực Tài chính như: Hội thảo Quốc tế, Hội thảo trong nước, seminar với sự tham gia của nhiều Trường Đại học uy tín trong nước, nước ngoài nhằm khuyến khích sinh viên tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, trau dồi khả năng làm việc trong môi trường quốc tế và nâng cao kỹ năng học tập suốt đời.

Chương trình đào tạo của Khoa Tài chính Ngân hàng đa dạng, phong phú. Bên cạnh các chương trình đào tạo trong nước, Khoa còn có Chương trình liên kết đào tạo quốc tế với các trường Đại học uy tín ở Châu Âu và Châu Á tạo nhiều cơ hội lựa chọn theo nhu cầu đa dạng của người học.

3. Hoạt động khoa học - công nghệ

Khoa có Trung tâm nghiên cứu và đào tạo kinh tế ứng dụng (CETAR) trực thuộc khoa, chịu trách nhiệm tổ chức nghiên cứu và đào tạo mở rộng về kinh tế, tài chính, đầu tư, ngân hàng. Các cuộc thi thường niên do Trung tâm và Khoa phối hợp tổ chức thu hút hàng nghìn sinh viên từ các trường Đại học lớn trong nước tham dự.

Công bố khoa học quốc tế: Trong những năm gần đây, công bố khoa học quốc tế ngày càng được chú trọng. Khoa TCNH đã công bố hơn 21 bài SSCI và 10 bài Scopus được đăng trên các tạp chí của các hiệp hội tài chính như Tạp chí Accouting and Finance, Pacific Basin Finance, International Review of Finance.

Các hoạt động khoa học khác: Khoa Tài chính Ngân hàng đã tổ chức thành công 3 Hội thảo quốc tế gồm International Conference on Finance and Economics (ICFE 2014), The International Conference In Environmental Finance (ICIEF 2017), The 11th FMA Asia/Pacific Conference (2019). Năm 2022 Khoa tiếp tục tổ chức hội thảo quốc tế về Bolckchain và quản trị tài chính tiên tiến 2022 (ICBAFM 2022)

4. Hợp tác quốc tế

Mạng lưới đối tác và chuyên gia quốc tế: Khoa thường xuyên hợp tác với các chuyên gia từ các trường Đại học và các hiệp hội quốc tế như tổ chức CFA, Hiệp hội Quản trị Rủi ro Quốc tế (GARP), CPA. Khoa hợp tác tổ chức các hội thảo, diễn đàn với các chuyên gia từ các trường quốc tế như Đại học Michigan State (Mỹ),  Sungkyunkwan University (Hàn Quốc), Đại học Saxion (Hà Lan), Tomas Bata in Zlin (Cộng Hòa Séc), Fengchia (Đài Loan), Lungwha (Đài Loan),…..

Các chương trình đào tạo, nghiên cứu hợp tác với nước ngoài:

- Chương trình liên kết với Đại học khoa học và công nghệ Lunghwa, Đài Loan: Đại học khoa học và công nghệ Lunghwa được thành lập từ năm 1969, Trụ sở được đặt tại thành phố Taoyuan. Toàn trường có hơn 11.000 sinh viên đang theo học. Đội ngũ Giảng viên Nhà trường đều là những Giáo sư uy tín với hơn 76.6% đều đã có học vị Tiến sĩ. 

- Chương trình liên kết với Đại học khoa học và ứng dụng Saxion, Hà Lan: Trường Đại học Khoa học ứng dụng Saxion là trường công lập nằm ở phía Đông của Hà Lan. Hiện tại Trường có khoản 27.000 sinh viên, trong đó số lượng sinh viên quốc tế là 3.500, đến từ hơn 80 quốc gia như Indonesia, Đức, Ấn Độ, Na-uy, Trung Quốc, Đài Loan, Nga, BraZil, Rwanda, ...

5. Quan hệ cộng đồng

Các doanh nghiệp thường xuyên có hoạt động hợp tác với Khoa: Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVCombank), ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Viettinbank), ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDbank), công ty Chứng khoán SSI, công ty Chứng khoán VNDirect, công ty Chứng khoán FPT, công ty Chứng khoán Phú Hưng, công ty Chứng khoán Rồng Việt, công ty Chứng khoán Tân Việt, công ty Chứng khoán NH Việt Nam (NHSV), công ty Chứng khoán KIS, công ty Chứng khoán Mirae asset, công ty Chứng khoán MB, công ty Bảo hiểm Manulife, công ty Bảo hiểm Generali.

6. Cơ hội và tương lai của người học

Một số cựu sinh viên sau khi ra trường nắm giữ những vị trí then chốt ở các doanh nghiệp, các định chế tài chính như Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc chi nhánh, Giám đốc Quan hệ khách hàng, Giám đốc Kinh doanh, Trợ lý Giám đốc, Trưởng phòng, Chuyên viên chính,…