Khoa Khoa học xã hội và nhân văn
1. Giới thiệu và tổng quan về khoa
Ngày 24/09/1997, cùng với sự ra đời và phát triển ngày càng lớn mạnh của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, khoa Khoa học xã hội và nhân văn (Khoa KHXH&NV) tự hào là một trong những khoa đầu tiên của ngôi trường mang tên Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Khoa đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Nhà trường trong những năm qua.
Với chiến lược phát triển con người toàn diện về trí lực, tâm lực, năng lực và xây dựng một nền khoa học hiện đại, Khoa KHXH&NV đã xây dựng được đội ngũ giảng viên đủ về số lượng và chuẩn về chất lượng, có tâm huyết với nghề, trình độ chuyên môn cao, không ngừng đổi mới và sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.
Về tổ chức hiện tại khoa có 5 bộ môn: Bộ môn Xã hội học; Bộ môn Du lịch; Bộ môn Công tác xã hội; Bộ môn Việt Nam học; Bộ môn Lý luận chính trị.Khoa hiện đang có 30 nhân sự chuyên môn, bao gồm: 01 GS/PGS; 08 Tiến sĩ; 11 Nghiên cứu sinh; 09 Thạc sĩ; 01 Cử nhân. Bên cạnh đó, Khoa còn có đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là các giáo sư, tiến sĩ uy tín trong và ngoài nước.
2. Hoạt động đào tạo
Khoa KHXH&NV tổ chức đào tạo các trình độ sau:
- Đại học:
- Ngành Xã hội học.
- Ngành Việt Nam học, chuyên ngành Du lịch và Quản lý du lịch (Chương trình Tiêu chuẩn, Chất lượng cao, Học bằng tiếng Anh).
- Ngành Việt Nam học, chuyên ngành Du lịch và Lữ hành.
- Ngành Việt ngữ học và Văn hóa, xã hội Việt Nam.
- Ngành Công tác xã hội.
- Bên cạnh đó, ngành Việt Nam học có triển khai đào tạo hai năm tại cơ sơ Nha Trang (ngành Du lịch và Lữ hành) và tại cơ sở Bảo Lộc (ngành Du lịch và Quản lý du lịch).
- Thạc sĩ: Ngành Xã hội học.
Chương trình đào tạo các ngành từ trình độ đại học đến sau đại học đều được kiểm định và công nhận bởi các tổ chức kiểm định quốc tế (2 ngành được kiểm định bởi FIBAA). Bên cạnh các chương trình đào tạo trong nước, Khoa còn có Chương trình song bằng 2+2 ngành Việt Nam học, chuyên ngành Du lịch và Quản lý du lịch liên kết với Trường Đại học Công nghệ Quốc gia Penghu (NPU), Đài Loan.
3. Hoạt động khoa học - công nghệ
Trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học của Khoa KHXH&NV luôn được chú trọng và thực hiện có hiệu quả. Giảng viên và sinh viên của Khoa đã thực hiện thành công 08 đề tài cấp Bộ và cấp tỉnh, thành phố. Từ nhóm sinh viên ngành Xã hội học đã xuất sắc đạt giải Nhất - giải thưởng Sinh viên NCKH - EURÉKA 2016 cấp thành phố mở rộng, sinh viên Võ Minh Hiếu ngành Du lịch đạt giải nhất Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo du lịch (Tourism Ideas 2017) do Sở văn hóa-thể thao và Sở khoa học công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào tháng 12/2017 đến giải nhất Hội thi “Sinh viên trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS năm 2017” của đội sinh viên ngành Công tác xã hội đã chứng minh năng lực đồng đều và khả năng ứng dụng kiến thức ngành vào giải quyết các vấn đề thực tế của Khoa.
Đặc biệt, năm 2020 nhóm sinh viên Nguyễn Phi Hiền - ngành Xã hội học và sinh viên Bùi Mai Sinh - ngành Công tác xã hội cùng giảng viên của Khoa đã có bài báo "LGBTQIA+ at the Blue Sky Club in Ho Chi Minh City” được đăng trên tạp chí hạng 6, thuộc cơ sở dữ liệu ISI và nhóm sinh viên Chất lượng cao ngành Việt Nam học, chuyên ngành Du lịch và Quản lý du lịch xuất sắc đạt giải Nhất - giải thưởng Sinh viên NCKH - EURÉKA 2021 cấp thành phố mở rộng.
Khoa KHXH&NV đã và đang khẳng định vị trí của mình trong sự phát triển qua các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học, từng bước tiếp cận với những đối tác hoạt động trong lĩnh vực Khoa học xã hội và thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế như phối hợp với các trường đại học đến từ Italia, Đức, Vương quốc Anh, Đài Loan, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc, ... Và các hội thảo quốc tế về Giáo dục và Hội nhập xã hội năm 2016 (The International Conference on Education and Social Integration - ICESI 2016), Hội thảo quốc tế về Du lịch và Du lịch biển năm 2017 (The International Conference on Tourism And Marine Tourism - TMT 2017), Hội thảo quốc tế: Những kết quả nghiên cứu mới trong khoa học xã hội và nhân văn- 2019 (Innovations in Social Sciences and Humanities 2019 - ISSH 2019), Hội thảo quốc tế về Những nghiên cứu mới trong khoa học xã hội và nhân văn lần thứ hai - The 2nd ISSH-2021 (The 2nd International Conference on Innovations in the Social Sciences & Humanities) … làm tiền đề tiếp cận để tham gia vào các mạng lưới học thuật quốc tế.
Từ năm 2014 đến nay, Khoa có hơn 91 công bố quốc tế, trong đó hơn 39 bài đăng tại các tạp chí ISI và Scopus; 14 bài đăng trên các tạp chí quốc tế; 38 bài in trong kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế và công bố trong tạp chí nước ngoài có chỉ số ISSN do các nhà xuất bản quôc tế phát hành.
4. Hợp tác quốc tế
Khoa KHXH&NV không ngừng chú trọng liên kết đào tạo và hợp tác với các trường, viện nghiên cứu trong và ngoài nước để luôn đổi mới, tiếp cận xu hướng của thời đại. Hiện nay, Khoa đã ký kết với một số trường đại học ở nước ngoài để đưa sinh viên đi thực tế, thực tập nghề nghiệp. Khoa đã ký kết MOA với Trường Đại học CHESS, Purdue Northwestern University, Indiana, U.S; Ký kết MOU với Nation Chao Tung University về trao đổi giảng viên và sinh viên giữa Khoa KHXH&NV TDTU; Ký kết MOU với Trường Đại học Melbourne, Úc.
5. Quan hệ cộng đồng
Với đặc thù là Khoa đào tạo nhiều ngành nghề trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, nên việc ký kết và hợp tác với các doanh nghiệp, công ty, đơn vị, tổ chức xã hội… nhằm mở rộng mạng lưới trong việc đào tạo theo nhu cầu xã hội, đào tạo theo định hướng thực hành và nghiên cứu. Hiện tại Khoa đang hợp tác cùng hơn 36 doanh nghiệp trong đào tạo như Công ty TNHH MTV dịch vụ lữ hành Saigontourist, Công ty Cổ phần Truyền thông SaigonTV, Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD), Công ty TNHH The Player, Hội Liên hiệp phụ nữ Quận 8, TP.HCM,…
Mạng lưới hợp tác của Khoa trong các hoạt động đào tạo đã hỗ trợ rất nhiều trong việc, như: chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi học thuật, hướng dẫn sinh viên thực tế nghề nghiệp, tập sự nghề nghiệp và những buổi ngoại khóa chuyên đề thực hành nghề, đã và đang mang lại hiệu quả chất lượng đầu ra cho các ngành đào tạo của Khoa.
6. Cơ hội và tương lai của người học
Tính đến nay, Khoa có trên 2000 sinh viên đang theo học và đã đào tạo tốt nghiệp ra trường trên 2000 cử nhân. Tất cả sinh viên ra trường đều có việc làm và đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị sử dụng lao động. Tỷ lệ sinh viên khá - giỏi tăng dần trong từng năm học; chất lượng tuyển sinh đầu vào ngày càng nâng cao.