Khoa Công nghệ thông tin
1. Giới thiệu và tổng quan nhân sự khoa Công nghệ thông tin
Khoa Công nghệ thông tin (Khoa CNTT) có tiền thân là Khoa CNTT - Toán ứng dụng, được thành lập vào năm 1997. Đến ngày 02/03/2012, Khoa CNTT được tách ra với tên gọi mới là "Khoa Công nghệ thông tin" với mục tiêu là thực hiện chức năng đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn cao trong lĩnh vực CNTT nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của xã hội. Bên cạnh hoạt động đào tạo, Khoa CNTT còn thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học nhằm công bố các kết quả nghiên cứu trên các kỷ yếu khoa học và tạp chí uy tín trong ngành.
Nhận thức toàn diện về mục tiêu trở thành đơn vị đào tạo tinh hoa thế giới của Nhà trường, tập thể ban chủ nhiệm, thầy cô và sinh viên Khoa CNTT luôn không ngừng đổi mới các hoạt động chuyên môn để không ngừng thích nghi, định hướng và dẫn dắt sự phát triển của xã hội.
Sau 10 năm hình thành và phát triển, Khoa CNTT đã và đang đào tạo hơn 4.000 sinh viên và học viên thuộc các bậc đào tạo khác nhau, bao gồm bậc đại học, bậc thạc sĩ và bậc tiến sĩ. Bằng việc triển khai Chương trình đào tạo Top 100 dựa trên 100 trường đại học hàng đầu thế giới, cùng với lực lượng giảng viên có chuyên môn cao, chất lượng đào tạo của Khoa CNTT ngày càng nâng cao, trong đó, hơn 95% người học có việc làm đúng chuyên môn trong vòng một năm sau khi tốt nghiệp. Để đảm bảo tính tương tác tốt giữa nhà trường và xã hội, Khoa CNTT đã và đang xây dựng và duy trì mạng lưới kết nối các doanh nghiệp thân hữu, nhằm tạo cầu nối giúp kết nối doanh nghiệp và người học. Nhiều doanh nghiệp đánh giá cao khả năng đáp ứng tốt các yêu cầu công việc của mỗi thế hệ người học tại Khoa CNTT. Bằng sự tin tưởng của xã hội, Khoa CNTT đã và đang từng bước khẳng định và nâng cao giá trị của người học trên thị trường lao động nói riêng và xã hội nói chung.
Tính đến tháng 03/2022, Khoa CNTT đang có 27 nhân sự chuyên môn, gồm:
- GS/PGS: 2 người.
- Tiến sĩ: 10 người.
- Thạc sĩ: 13 người.
- Đại học: 2 người.
Khoa CNTT thực hiện chức năng đào tạo thông qua 04 bộ môn, gồm:
- Bộ môn Công nghệ phần mềm.
- Bộ môn Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu.
- Bộ môn Hệ thống thông tin.
- Bộ môn Khoa học máy tính.
Khoa CNTT triển khai đào tạo 03 chuyên ngành chính, gồm:
- Ngành kỹ thuật phần mềm.
- Ngành mạng máy tính và truyền thông dữ liệu.
- Ngành khoa học máy tính.
2. Hoạt động đào tạo
Khoa CNTT đặt mục tiêu là đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức nền tảng vững chắc cả về lý thuyết lẫn thực hành, cùng với kỹ năng làm việc độc lập, tư duy sáng tạo và khả năng hội nhập thị trường lao động trình độ cao của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Vì vậy, nội dung chương trình đào tạo của Khoa đã được xây dựng không chỉ dựa trên khung chương trình đào tạo của các trường đại học hàng đầu thế giới; mà còn dựa trên nhu cầu thực tế của thị trường lao động; gắn kết lý thuyết với thực tiễn; kết hợp kiến thức chuyên môn và chuyên ngành với rèn luyện kỹ năng thực hành; chú trọng đến các kỹ năng mềm và thực tập doanh nghiệp; xây dựng ý thức tự học, tự nghiên cứu giúp sinh viên rèn luyện và hoàn thiện các phẩm chất nghề nghiệp cần thiết, đáp ứng được nhu cầu làm việc đa dạng của thị trường lao động chất lượng cao trong và ngoài nước.
Những đặc điểm nổi bật nhất của hoạt động đào tạo:
- 100% sinh viên đều có việc làm trong vòng 12 tháng kể từ khi ra Trường với công việc đúng chuyên môn được đào tạo;
- 100% sinh viên được tạo điều kiện học các chứng chỉ nghề nghiệp do các công ty phần mềm có uy tín cấp; sinh viên được học kiến thức nghề nghiệp thực tế do các chuyên gia có kinh nghiệm đến từ các công ty phần mềm/mạng máy tính giảng dạy;
- Khoa có những chương trình liên kết đào tạo với đại học được xếp hạng trong TOP 500 của thế giới; như: Chương trình Dual Degree liên kết đào tạo hình thức 2+2 bậc đại học ngành Khoa học máy tính với Đại học kỹ thuật Ostrava (sinh viên được nhận 2 bằng tốt nghiệp của cả 2 trường nếu đủ điều kiện).
Đối với đào tạo sau đại học, Khoa CNTT hiện có ngành KHMT đã có nhiều khóa học viên cao học tốt nghiệp và đang đào tạo 5 nghiên cứu sinh. Chương trình đào tạo tiến sĩ KHMT hoàn toàn bằng tiếng Anh, đồng hướng dẫn là các giáo sư đối tác từ các trường nổi tiếng ở Nhật và Hàn quốc. Đào tạo sau đại học tại khoa tập trung chuyên sâu về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu.
3. Hoạt động khoa học - công nghệ
Hiện tại, Khoa CNTT đang quản lý và vận hành 03 phòng thí nghiệm chuyên đề, gồm phòng thí nghiệm Xử lý ngôn ngữ tự nhiên và khai phá tri thức, phòng thí nghiệm Trí tuệ nhân tạo, và phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu.
Lab Trí tuệ nhân tạo được thành lập từ đầu năm 2018 do PGS.TS Nguyễn Thanh Hiên phụ trách, hiện tại Lab được quản lý bởi TS. Bùi Thanh Hùng. Lab có 10 thành viên chính là giảng viên cơ hữu của Khoa và có sự tham gia của nhiều bạn sinh viên Khoa CNTT. Lab cũng cộng tác với nhiều Nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Hàng năm Lab tổ chức các hoạt động học thuật thu hút sự tham gia đông đảo của sinh viên và giảng viên Khoa. Mỗi năm Lab công bố từ 10 đến 20 công trình nghiên cứu trên các Hội nghị, Tạp chí chuyên ngành uy tín. Hướng nghiên cứu của Lab về: Các vấn đề của Trí tuệ nhân tạo; Xử lý ảnh; Xử lý ngôn ngữ tự nhiên; Xử lý tiếng nói; Tích hợp đa mô hình cho các ứng dụng Trí tuệ nhân tạo; Các mô hình biểu diễn Trí tuệ nhân tạo.
Lab Xử lý ngôn ngữ tự nhiên và Khai phá tri thức (Natural language processing and knowledge discovery Laboratory - NLP-KD Lab) được thành lập từ năm 2016, các thành viên chính bao gồm PGS.TS. Lê Anh Cường làm trưởng lab, cùng với 2 tiến sĩ và 3 nghiên cứu sinh là cán bộ cơ hữu trong khoa. NLP-KD còn có sự cộng tác của các giáo sư từ các trường JAIST (Nhật Bản, Liège (Bỉ), và các trường Đại học Quốc gia Hà nội, Đại học Quốc Gia Hồ Chí Minh.
NLP-KD tập trung nghiên cứu về các lĩnh vực Xử lý ngôn ngữ tự nhiên, Khai phá tri thức từ văn bản, Các phương pháp học máy hiện đại cho xử lý văn bản, Xử lý dữ liệu lớn, chú trọng nghiên cứu để phát triển ứng dụng đặc biệt cho tiếng Việt. Lab đã và đang thực hiện nhiều đề tài như đề tài NAFOSTED và đề tài nghiên cứu ứng dụng cho các doanh nghiệp.
Về đào tạo NLP-KD là địa chỉ tin cậy cho các nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ cũng như học viên cao học và sinh viên làm luận văn và nghiên cứu khoa học.
4. Hợp tác quốc tế
Trong xu hướng hội nhập và hợp tác quốc tế, Khoa CNTT đã và đang tiến hành nhiều hoạt động sau đây: Đối tác quốc tế thân hữu và gắn bó với Khoa: trong 25 năm xây dựng và trưởng thành, Khoa đã hợp tác được với nhiều đại học và Hiệp hội nghề nghiệp nổi tiếng thế giới. Cụ thể là Đại học kỹ thuật Ostrava (TOP 500 thế giới), Đại học Feng chia Đài Loan, Nhà xuất bản Springer, IEEE (The Institute of Electrical and Electronics Engineers), AIS (Association for Information Systems).
Bên cạnh đó, Khoa còn có các chương trình giao lưu trao đổi học thuật với các phòng Lab của các giáo sư có uy tín thế giới, tiêu biểu như MSN-Lab, Đại học Feng Chia, của Giáo sư Chin-Chen Chang - IEEE Fellow, người được xếp thứ 2 thế giới và thứ 1 Châu Á về số lượng bài báo được xuất bản trên các tạp chí uy tín thế giới (số liệu thống kê 2015).
Các đối tác quốc tế đã và đang làm việc: Microsoft, IBM, NashTech, Global CyberSoft, DXC Technology.
Tiếp nhận sinh viên quốc tế: Khoa tuyển sinh sinh viên quốc tế ngành Khoa học máy tính với chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh; Khoa hiện có 02 sinh viên đến từ Nigeria và 03 sinh viên đến từ Lào theo học; Khoa cũng đăng thông tin sẵn sàng tiếp nhận sinh viên quốc tế đến thực tập (Internship) hoặc tham gia các khóa học ngắn hạn.
Giao lưu văn hoá, trao đổi sinh viên: Hằng năm, Khoa tổ chức các chương trình trao đổi sinh viên, đưa sinh viên của khoa tham dự các khoá học ngắn hạn, các chương trình giao lưu với sinh viên ở các trường Đại học quốc tế thân hữu như Đại học Penang - Malaysia, Hàn Quốc, Đại học Feng Chia, Đài Loan ( dự kiến năm 2022). Mục tiêu của chương trình này nhằm giúp sinh viên có cơ hội trải nghiệm cuộc sống, nền văn hoá và giáo dục của các nước một cách chân thực nhất.
5. Quan hệ cộng đồng
Với mục tiêu cung cấp các chương trình đào tạo chất lượng và đạt tỉ lệ 100% sinh viên ra trường được doanh nghiệp tiếp nhận làm việc, Khoa CNTT chủ động đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam và thế giới. Việc triển khai các chương trình trao đổi, hợp tác quốc tế tạo cơ hội cho sinh viên học tập và trải nghiệm những chương trình thực tế làm hành trang cho sự phát triển của sinh viên trong tương lai. Ngay từ năm thứ 2, sinh viên đã có cơ hội trải nghiệm môi trường làm việc tại các doanh nghiệp thông qua các hoạt động như: seminar về công nghệ mà doanh nghiệp đang sử dụng, tổ chức tham quan thực tế tài các công ty, các cuộc thi học thuật mà doanh nghiệp tài trợ và làm giám khảo, …
Vào năm học cuối (học kỳ 7 và học kỳ 8) hoặc đã tích lũy đủ số tín chỉ môn học, sinh viên được học trực tiếp tại doanh nghiệp 2 môn học là Kiến tập công nghiệp và Thực tập nghề nghiệp. Đây là 2 môn học với kiến thức rất mở tuỳ vào Công ty mà sinh viên thực tập cũng như chuyên môn của sinh viên. Sinh viên thường được trang bị những công nghệ đặc thù của doanh nghiệp đang sử dụng ở môn Kiến tập công nghiệp; đối với môn Thực tập nghề nghiệp, sinh viên sẽ được thực tập trên những dự án thật/mô phỏng tại doanh nghiệp.
Ngoài ra, đối với sinh viên hệ chất lượng cao, các em còn được cơ hội thực tập, nghiên cứu tại các phòng nghiên cứu của các trường đại học tiên tiến trên thế giới. 2 năm nay vì dịch bệnh nên chương trình thực tập tại ngoài bị tạm hoãn, nhưng thời gian tới khi dịch bệnh được kiểm soát thì chương trình thực tập tại nước ngoài sẽ được tiếp tục thực hiện. Các sinh viên trước đó đã được thực tập tại các phòng nghiên cứu của các trường đại học nổi tiếng ở Hàn Quốc, Malaysia, …
Đến tháng 03 năm 2022, Khoa CNTT đã mở rộng mối quan hệ hợp tác với hơn 30 đối tác, trong đó có 15 đối tác đã ký kết MOU. Một số doanh nghiệp thân hữu của khoa như: FPT Telecom, DXC, FPT Software, Nashtech, GameLoft, IDTek, TMA, Contemi, SenTech, Techbase, Axon Active, Fujinet, Logigear, HCL, …
6. Cơ hội và tương lai của người học
Từ năm 3, sinh viên khoa Công nghệ thông tin được đưa đến các doanh nghiệp thực tập và được doanh nghiệp đào tạo chuyên ngành. Cử nhân Công nghệ Thông tin có nhiều cơ hội lựa chọn công việc ở các doanh nghiệp, công ty chuyên ngành IT ở các vị trí như: Kỹ sư dữ liệu; Lập trình viên phát triển phần mềm, website; Lập trình viên IoT; Thiết kế hệ thống mạng và bảo trì hệ thống Mạng; ...