Skip to main content

Khoa Lao động công đoàn

1. Giới thiệu và tổng quan về khoa Lao động công đoàn

Lĩnh vực quan hệ lao động liên quan đến quản trị nguồn nhân lực, công đoàn, luật lao động, kinh tế lao động. Ngành Quan hệ lao động là ngành học được đào tạo lâu đời tại các trường đại học danh tiếng ở các nước có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, Úc, Đức, Thuỵ Điển. Ở Việt Nam, Đại học Tôn Đức Thắng là trường đại học đầu tiên đào tạo ngành Quan hệ lao động.

Khoa Lao động và công đoàn thành lập ngày 15 tháng 10 năm 2009. Sau 13 năm phát triển, hiện nay khoa đã đào tạo được 10 khóa sinh viên ngành Quan hệ lao động. Hàng năm, Khoa quản lý và giảng dạy trung bình 500 sinh viên. 

Chương trình đào tạo được thiết kế theo các trường TOP 100 thế giới về ngành Quan hệ lao động để mang đến cho sinh viên cơ hội học theo chương trình của những trường hàng đầu thế giới ngay tại Việt Nam.

tdtu

Hiện nay chương trình đào tạo của Khoa được hiệp hội Quản trị kinh doanh quốc tế - Foundation for International Business Administration Accreditation (FIBAA) công nhận là chương trình đạt chuẩn chất lượng Châu Âu.

Khoa hiện có 13 nhân sự, bao gồm: 5 Tiến sĩ; 8 Thạc sĩ. Tổ chức bao gồm: Chuyên ngành Quản lý quan hệ lao động; Chuyên ngành Hành vi tổ chức.

2. Hoạt động đào tạo

- Khoa tổ chức đào tạo các trình độ đại học gồm 2 chuyên ngành: Chuyên ngành Quản lý quan hệ lao động; Chuyên ngành Hành vi tổ chức.

- Sau 13 năm hoạt động, Khoa lao động và công đoàn đã đi đúng định hướng với 07 ưu điểm nổi bật sau:

  • Kết quả khảo sát sinh viên tốt nghiệp 4 khóa có việc làm đạt tỷ lệ 99,8%. Nhiều sinh viên tốt nghiệp hiện phụ trách các vị trí tuyển dụng nhân sự, đào tạo, tiền lương và phúc lợi ở các doanh nghiệp lớn như Tôn Hoa Sen, Nova Feed, Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Chương trình đào tạo được thiết kế theo các trường TOP 100 thế giới về ngành Quan hệ lao động. Trong đó, một số môn học giảng dạy bằng tiếng Anh, giúp sinh viên tăng kỹ năng tiếng Anh chuyên ngành.
  • Khoa ký kết thỏa thuận dài hạn với các giảng viên nước ngoài đến từ các Trường TOP 100 thế giới về ngành Quan hệ lao động tham gia giảng dạy.
  • Trong 4 năm học, sinh viên được thực tập nghề nghiệp tại doanh nghiệp 04 đợt, mỗi đợt 1 tháng, giúp sinh viên có thêm kinh nghiệm thực tế.
  • Khoa có quan hệ với 22 Liên đoàn lao động và 52 doanh nghiệp để giới thiệu sinh viên tham quan kiến tập, thực tập nghề nghiệp ngắn hạn, tập sự nghề nghiệp và giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa sinh viên với doanh nghiệp, cựu sinh viên.
  • Khoa trang bị phòng mô phỏng để sinh viên có điều kiện thực hành về các công việc về quản trị nguồn nhân lực và hoạt động công đoàn.
  • Khoa tạo điều kiện sinh viên kết hợp với Giáo sư quốc tế, Giảng viên thực hiện các dự án và đề tài NCKH. Khoa sẽ giới thiệu Trường cho sinh viên học thạc sĩ ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp.

- Chương trình đào tạo bậc đại học ngành Quan hệ lao động của Khoa Lao động và Công đoàn được Hiệp hội Quản trị kinh doanh quốc tế - Foundation for International Business Administration Accreditation (FIBAA) kiểm định, công nhận và cấp con dấu chất lượng cho với thời hạn công nhận là 5 năm (2021-2026).

- Chuẩn đầu ra bậc đại học: IELTS 5,0 hoặc tương đương; chứng chỉ tin học MOS 750 điểm; bơi 50 m; có chứng chỉ giáo dục thể chất và quốc phòng; tích lũy đủ số tín chỉ theo qui định; đạt kỳ kiểm tra kỹ năng thực hành chuyên môn; lễ phép, kỷ luật và làm việc nhóm tốt.

- Ngoài ra, Khoa đã tổ chức đào tạo 37 khóa Chương trình Lý luận và nghiệp vụ công tác công đoàn cho hơn 3.000 cán bộ công đoàn các tỉnh phía Nam với thời gian đào tạo ngắn hạn từ 1 đến 6 tháng nhằm cung cấp cho cán bộ công đoàn đang làm việc ở các cấp những kiến thức về tổ chức công đoàn, thi đua khen thưởng, tuyên giáo, luật lao động, bảo hiểm và các kỹ năng như thương lượng tập thể, kỹ năng giao tiếp, truyền thông nhằm giúp người học sau khi hoàn thành khóa học có năng lực tổ chức hoạt động công đoàn, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động công tác công đoàn, nhằm xây dựng tổ chức công đoàn các cấp vững mạnh và xây dựng quan hệ lao động hài hòa.

3. Hoạt động khoa học - công nghệ

- Khoa cũng chú trọng vào hoạt động nghiên cứu khoa học. Các giảng viên thực hiện viết bài nghiên cứu trong nước cho Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, các tạp chí thương mại và bài báo cho hội thảo quốc tế tổ chức tại Trường. Ngoài ra, giảng viên cũng viết các bài báo đăng tạp chí quốc tế ISI và Scopus. Nhiều giảng viên của Khoa có một danh mục các ấn phẩm trên các tạp chí Việt Nam và quốc tế. Từ năm 2015 đến nay, giảng viên Khoa đã thực hiện 11 đề tài nghiên cứu, trong đó có 6 bài báo đăng trên tạp chí trong nước và 5 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế.

- Bên cạnh đó, kinh nghiệm nghiên cứu cũng được chia sẻ với sinh viên thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên của Khoa hàng năm. Từ năm 2011 đến nay, các bạn sinh viên đã thực hiện 14 đề tài nghiên cứu về quan hệ lao động và quản trị nguồn nhân lực và đạt nhiều giải thưởng Nghiên cứu khoa học sinh viên. 

- Các hoạt động khoa học khác: Khoa đã tổ chức thành công 1 hội nghị khoa học quốc tế chủ đề: WORDRLC 2015 International Conference with the full name of "Worker Rights, Dispute Resolution and Related Legal Issues in the Global Supply Chain” vào tháng 03/2015 với sự tham gia của 64 chuyên gia của 5 quốc gia gồm Mỹ, Úc, Hồng Kông, Campuchia và Việt Nam; Khoa cũng tổ chức các hội thảo và các buổi chia sẻ học thuật với các chuyên gia trong lĩnh vực Quan hệ lao động trong nước và nước ngoài hàng năm.

4. Hợp tác quốc tế

- Từ năm 2015 đến nay, Khoa đã mời được 61 giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy và làm việc.

- Khoa đẩy mạnh phát triển đội ngũ giảng viên trẻ giỏi chuyên môn và có năng lực tiếng Anh và đưa đi đào tạo nước ngoài hàng năm để phát triển năng lực chuyên môn giảng dạy, nghiên cứu và công bố quốc tế.

- Khoa đã chú trọng xây dựng, duy trì và phát triển các đầu mối như Đại học Cornell (Mỹ), Đại học Waseda (Nhật),  Đại học Dongkuk (Hàn Quốc) để đưa hơn 160 sinh viên quốc tế đến giao lưu, trao đổi và học tập ngắn hạn giai đoạn năm 2012 đến nay. 

- Khoa cũng chú trọng kết nối và tổ chức cho sinh viên của Khoa sang Đại học Nam Hoa (Đài Loan) để giao lưu trao đổi văn hóa và học tập.

- Khoa cũng kết nối với Đại học Cornell Mỹ để cấp học bổng cho 4 sinh viên của Khoa sang Đại học Cornell tham gia chương trình Trại hè Tranh luận phản biện.

5. Quan hệ cộng đồng

- Khoa có quan hệ với 22 Liên đoàn lao động và 52 doanh nghiệp để giới thiệu sinh viên đến thực tập.

- Mỗi năm, Khoa mời ít nhất 04 Giám đốc nhân sự, chuyên gia Công đoàn chia sẻ với sinh viên về ngành nghề.

6. Cơ hội và tương lai của người học

- Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp  có việc làm đạt tỷ lệ 99,8%.

- Cơ hội việc làm: sinh viên tốt nghiệp có thể đảm nhận các vị trí tại Công đoàn, các Liên đoàn lao động hay các vị trí tại Phòng nhân sự như vị trí tuyển dụng nhân sự, đào tạo, tiền lương và phúc lợi.